![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjFdd3VnbgPen38P5-ePVZrPTM1Ki2JsBetINpACpRggl0JkzbFC66kQoVr9slSSFETBZ5gP5aTKFlsJuJV0HZaGCy_KfnX-Nr4ZNi1SqC9OC1-9gerWiM1Cg2qP_tUlo92Zl4bOw/s320/HAT+BOI+6.jpg)
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiy7Q53G88IOkdmCg4fg-oiVJzPIwQkJbvogxMg6k-Z8o4S5C9Odw5dmAVGnCujrXmxu5caMkvwwKBogfhDzWQOvXeJpZL3wK3UyX3N8mMQDpIC-tVyOlV4ATQOAcjO7L8XMLO3hw/s320/HAT+BOI+4.jpg)
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjeqchqEnX7RocNPE4PC1t3ZhnoDfNE4HW6MfpD3G9V1qo0XnfRcFQXLdhoGKB43L55lcfMUn5yYi1DhRDB0DyUEa3c61nN2P5yRYAef55lacK0NrfgVocYgL6INXJ2jpIbD_Ii9g/s320/HAT+BOI+3.jpg)
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiCl3AsFYGf_NlPchtNWVHmMGg4p5Yh84X38z8q9_bRThN7kCp-Yr1libXNwZ9UqQIYHACZfRpDULzLsUiBHxDeWWsnBv77WnbYKpl-WPnO0VskK0bt6TE8113wV-PbDx83Bhdw4g/s320/HAT+BOI+1.jpg)
(Update: 17:27, 14/03/2007 )
Đã đăng trên Báo Ảnh Đất Mũi Online
Hát Bội trên đất Tây Đô
Cả làng, cả xóm kéo nhau ra đình, miễu xem hát bội (hát tuồng cổ) không tốn tiền. Thấy đào kép hóa trang màu mè, vẽ mặt trăm hoa, áo quần sặc sỡ, ca vọng cổ ngọt lịm, múa xoay ra bộ điêu luyện…
Chị Nguyễn Thị Ánh 50 tuổi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuồng cổ Phương Ánh (Bình Thủy, TP. Cần Thơ) cho biết chị từ nhỏ đã theo cha mẹ đi hát đình hát miễu, 13 tuổi bắt đầu nhập vai trên sân khấu, 23 tuổi lên “chức” đào chính, có lẽ do thừa hưởng gen nghệ sĩ của cha mẹ nên cho đến nay vẫn đeo đuổi cái nghề hát xướng. Chị kể: “Cha tôi là nghệ sĩ Hồng Châu chuyên đóng vai kép độc, còn mẹ là nghệ sĩ Ngọc Phương chuyên nhập vai đào chính “đào mùi”, 3 người dì cũng là đào hát nổi tiếng của đoàn Quốc Việt - Bạch Vân từng vang tiếng một thời từ Nam chí Bắc. Sau khi cha mất, mẹ con tôi về đầu quân đoàn “Tiếng trống Hậu Giang”, sau đó đổi thành đoàn Hậu Giang III, đến nay là đoàn Cải lương Tây Đô. Đến năm 1980, tôi tách đoàn và thành lập đoàn riêng lấy tên là “Quê hương Đồng Tháp” lưu diễn khắp miền Tây. Nhưng rồi gặp vận không may trong bối cảnh chung sân khấu cải lương không còn ăn khách như trước, năm 2003 tôi quyết định về Cần Thơ thành lập CLB Tuồng cổ quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ. Khởi xướng hát cho đình Bình Thủy, được lãnh đạo địa phương quan tâm, ban hội đình Bình Thủy và bà con nhiệt tình ủng hộ. Ngày đầu ra mắt khán giả đến xem rất đông. Từ đó, tôi mới tiếp tục tập hợp thêm anh em tập thêm nhiều tuồng mới và bắt đầu đi lưu diễn ở nhiều đình, miễu ở Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp”. Đặc biệt, khi có các sô diễn lớn, chị Phương Ánh còn mời em trai của mình là nghệ sĩ Chiêu Hùng và con gái là Phương Anh (hát cho đoàn Cải lương Trần Hữu Trang) về hát. Phần lớn các hợp đồng này do ban hội đình chi trả. Lớn lên trong cái nôi đi hát tuồng cổ nên cho đến giờ này, việc dàn dựng kịch bản, phân vai đào kép, phân công tổng đài, bố trí đạo cụ, lời thoại, cách ra bộ diễn tả tâm trạng... chị Phương Anh hầu như thuộc nằm lòng. Theo chị, hiện nay những vở tuồng ăn khách là: “Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ” kể lại câu chuyện lương duyên giữa Thần Nữ và Tiết Ứng Luông, con trai của Phàn Lê Huê ; vở “Ngọc Kỳ Lân” kể về câu chuyện nàng Ngọc Kỳ Lân là học trò tiên có gương mặt như kỳ lân, giải cứu vua nước Tống khỏi tay bọn cướp, nàng trải qua nhiều truân chuyên nhưng cuối cùng cũng tìm được hạnh phúc... Chị cho biết thêm, hát đình là hát cúng thả, không bán vé nên ai cũng xem được, vì thế rất thu hút người xem. Vả lại như vậy sẽ ngày càng có nhiều người thích đi cúng đình hơn. Mỗi lần hát, đoàn thường hay làm lễ chúc ban lễ đình với nhiều nghi thức dâng hương, chúc phúc, cầu may cho ban hội đình và bà con xem hát bội. Năm nào đoàn cũng đi lưu diễn ở đình Bình Thủy (TP. Cần Thơ), đình Tân Quới (Vĩnh Long), đình Tân Quy Đông (Thị xã Sa Đéc), đình Hòa Long (Lai Vung - Đồng Tháp), đình Bình Phú - Bình Mỹ (An Giang), đình Thới Sơn (Tịnh Biên - An Giang). Ngày thường anh em nghệ sĩ người làm thợ may, người làm ruộng, người chạy hon-da ôm, người đi hát sô… nhưng hễ có chuyến lưu diễn thì bắt đầu hội tụ về tập luyện. Bản thân chị, lúc không đi hát thì may trang phục cho đoàn, hay tìm đặt mua ở Chợ Lớn TP. HCM đạo cụ như kiếm, mão… để chuẩn bị cho những đêm diễn mới.
TRƯƠNG CÔNG KHẢ
Gởi đi Ý kiến bạn đọc [0] Lượt xem [68]
(Update: 17:27, 14/03/2007
No comments:
Post a Comment