19 June 2008


Sưu tầm.
Ðối với người Việt Nam chúng ta thì chuyện nuôi vú em để lấy sữa cho con mình bú là chuyện bình thường trong một số gia đình ở nhiều thế hệ trước đây. Thế nhưng ngày nay ở Hoa Kỳ, với sự tiến bộ của kỹ thuật điện toán, người ta tìm thấy những lời quảng cáo, rao bán sữa của những người mẹ trên Internet. Và cũng vì sự việc này, chúng ta đặt câu hỏi là các loại sữa này có tốt cho các em bé hay không? Một bài báo của Nancy Jeffrey và Sandra Marquez trên tờ People sẽ trình bày cho các phụ huynh có con nhỏ biết được sự lợi hại của việc dùng sữa mẹ của người khác như thế nào. Xin lược dịch để gửi đến bạn đọc sau đây.
Dĩ nhiên, đa số các bà mẹ đều đồng ý là sữa mẹ tốt hơn sữa hộp và trong số này có Jenn Connel cư ngụ ở Wilton, New Hampshire. Cô là người cũng chỉ muốn cung cấp cho hai đưa con trai của mình sữa mẹ. Thế nhưng Jean, 37 tuổi, lại là một người sống sót từ bệnh ung thư vú. Hai vú của cô đã bị cắt bỏ (double mastectomy) từ ba năm trước đây và cô không có khả năng cho con bú sữa mẹ như các bà mẹ khác. Do đó, vào năm 2003, khi thằng Grayson ra đời, Jenn mở một cái website lấy tên là www.feedmybaby.com và kêu gọi các bà mẹ mình giúp đỡ bằng cách gởi sữa của họ đến cho thằng Grayson bú. Jenn không ngờ lời kêu gọi của cô lại được đáp ứng một cách nồng nhiệt. Sau khi điền một mẫu câu hỏi về tình trạng sức khỏe, có khoảng một chục những bà mẹ cư ngụ ở các tiểu bang xa xôi như Washinton State đã gởi những túi đựng sữa của mình, gói trong những bao đá khô (dry ice) đến cho Jenn và cô đã đổ sữa vào bình để cho thằng Grayson bú. Jenn tiếp tục việc nuôi con bằng sữa mẹ của người khác với đứa con thứ hai, thằng Preston, sinh sau thằng Grayson một năm và bây giờ đã 5 tháng tuổi. Cô nhìn hai thằng con trai khỏe mạnh lớn nhanh như thổi và nghĩ rằng mình đã làm một quyết định rất đúng.
Hiện nay, thị trường cung cấp sữa mẹ đang mở rộng và những gia đinh có người mẹ bị bệnh như trường hợp như Jenn Connel; hay nuôi con nuôi; hoặc chỉ có cha mà không có mẹ, là những nhóm người rất hài lòng với dịch vụ này. Bên cạnh đó, càng ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy là việc nuôi con bằng sữa mẹ trong năm đầu tiên sẽ khiến cho đứa trẻ tránh được nhiều bệnh tật. Cho nên một số các bà mẹ không có khả năng sản xuất sữa mẹ, đã trông cậy vào chị em, bà con, bạn bè và ngay cả hệ thống Internet để có được sữa mẹ để cho con bú. Và dĩ nhiên họ có thể được cho không hoặc phải mua bằng tiền.
Cho dù việc dùng sữa mẹ của người khác có vẻ bắt đầu thông dụng và được bàn cãi ở Mỹ vào thế kỷ 21 này nhưng thật ra, như trên đã nói và được xác nhận bởi bà Kelley Faulkner, nữ hộ sinh ở Holliston Massachussetts, thì từ lâu lắm rồi các bà mẹ ở Hoa Kỳ cũng làm việc này, tuy không phổ biến lắm như ngày nay.
Tuy nhiên, các bác sĩ nhi khoa và một số chuyên viên y tế vẫn tỏ ý quan ngại và muốn cảnh cáo các bà mẹ về sự nguy hiểm khi dùng sữa của người xa lạ mà mình không hề biết tình trạng sức khỏe của họ.
Những cuộc nghiên cứu cho biết là sữa mẹ có thể mang những mầm bệnh như về viêm gan (hepatitis) và HIV. Cả hai cơ quan American Academy of Pediatrics và La Leche League (nhóm luật sư chuyên lo về vấn đề sữa mẹ) đều lên tiếng cảnh cáo về việc chia xẻ sữa mẹ nói trên. Bác Sĩ Wendy Hensen, giám đốc của khu sản khoa thuộc University of Kentucky nói: “Tôi không biết làm cách nào mà các bà mẹ có thể biết được sữa đó có đến từ một người bị bệnh hay không vì họ không thể kiểm soát được.” Tại California và NewYork , việc bán hay cho sữa mẹ mà không được chứng nhận trên Internet là không hợp pháp.
Dĩ nhiên, sau những lời khuyến cáo của các chuyện viên ý tế như thế, nếu phụ huynh muốn được bảo đảm về sự an toàn cho con mình hơn khi dùng sữa mẹ thì họ có thể tìm đến một trong tám cơ quan cung cấp sữa ở Hoa Kỳ. Bà Mary Tagge, chuyên viện liên lạc của một trong các cơ quan nói trên có trụ sở đặt tại Presbyterian ở Denver cho biết là những người mẹ muốn cho sữa của mình sẽ được thử nghiệm về bệnh Hepatitis, HIV, và nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Sữa của họ sẽ được diệt trùng (pasteurize) và bỏ vào ngăn đông lạnh để bảo đảm sự tinh khiết và an toàn. Bà Tagg khuyến cáo phụ huynh: “Nếu có cơ nguy là sữa đó không bảo đảm vì được gởi tới từ một người xa lạ qua Internet thì tại sao bạn lại muốn cho con mình uống kia chứ?”
Mặc dù biết là có những nguy hiểm như vậy nhưng vấn đề tài chánh là lý do khiến một số bà mẹ không muốn đi qua trung gian của những ngân hàng sữa. Những cơ quan này tính tiền 3 Mỹ kim cho một ounce sữa. Nếu mỗi ngày, một em bé uống 28 ounces sữa thì phí tổn tiền sữa của em mua từ ngân hàng sữa sẽ lên đến 15 ngàn Mỹ kim chỉ trong vòng 6 tháng.
Ngoài ra, có nhiều bà mẹ nói rằng họ muốn chọn sự liên hệ có tính cách riêng tư với những người cung cấp sữa mẹ cho con họ. Thí dụ như cô Trisha Lozier, 29 tuổi ở Luisville, Kentucky khi nghe tin một người đàn ông độc thân láng giềng đang phải nuôi con nhỏ một mình vì vợ vừa qua đời, đã tình nguyên cho sữa mẹ của mình để nuôi em bé đó. Mỗi ngày, sau khi đã cho đứa con 8 tháng tuổi của cô bú, Trisha bơm thêm 12 ounces sữa của mình và để dành trong tủ lạnh cho đứa bé con của người hàng xóm. Trisha nói là cô có nhiều sữa quá nếu dư cũng bỏ đi thì tại sao lại không chia xẻ với người thiếu thốn. Chồng của Trisha cũng hỗ trợ vơ mình trong việc chia xẻ sữa và nói rằng anh rất vui mừng vì họ có thể giúp đỡ người khác. (O.T.)

No comments: